Tài sản Đế quốc

Nhà nước Đế quốc hay Tài sản Đế quốc (tiếng La Tinh: Status Imperii; tiếng Đức: Reichsstand, số nhiều: Reichsstände; tiếng Anh: Imperial State or Imperial Estate) là một lãnh thổ của Đế chế La Mã Thần thánh với quyền đại diện và bỏ phiếu trong Đại hội Đế quốc (Reichstag). Các nhà cai trị của các lãnh thổ thế tục này có đầy đủ các quyền trên lãnh thổ của mình cai quản và người duy nhất đứng trên họ chính là Hoàng đế La Mã Thần thánh. Do đó, họ có thể cai trị các vùng lãnh thổ của mình với một mức độ tự trị đáng kể. Những tài sản đó bao gồm: Tuyển đế hầu, Thân vương quốc, Công quốc, Hầu quốc, Bá quốc, Giáo phận vương quyền, Tu viện, Thành phố đế quốc tự do... Hệ thống các Nhà nước Đế quốc đã ra đời và thay thế các Công quốc gốc (stem duchies) tồn tại ở đầu thời kỳ Trung cổ. Các công quốc gốc dưới thời Đế quốc Carolus vẫn được giữ lại làm các phân khu dưới Triệu đại Salier, nhưng sau đó chúng ngày càng trở nên lỗi thời trong thời Hậu kỳ Trung cổ, dưới thời Hohenstaufen, và cuối cùng chúng đã bị Frederick Barbarossa bãi bỏ vào năm 1180 để có thêm nhiều phân chia lãnh thổ. Từ năm 1489, các Nhà nước Đế quốc đại diện trong Đại hội Đế quốc được chia thành 3 viện, gồm: Viện Tuyển đế hầu (Kurfürstenkollegium/den Kurfürstenrat), Viện Thân vương (Reichsfürstenrat) và Viện Thành phố đế quốc tự do. Các Bá tước và quý tộc không được đại diện trực tiếp trong Đại hội Đế quốc mặc dù có địa vị cai trị lãnh thổ thế tục, nhưng họ được nhóm lại thành các "banches" (Grafenbänke) với một phiếu bầu duy nhất. Các Hiệp sĩ Hoàng gia không được đại diện trong Đại hội Đế quốc.